Hướng dẫn thảo luận sách đúng việc

Sẽ có một ngày, khi mọi thứ được định nghĩa lại, được tìm về bản chất, được trả lại chân giá trị; khi mọi người có cơ hội nhận chân ra con người của mình, tìm ra đạo sống của mình, từ đó làm ra chính mình, sống với chính mình và giữ được chính mình, thì khi ấy câu chuyện khai minh bắt đầu được kể. Bạn, chứ không phải ai khác, là tác giả của câu chuyện này.

Dưới đây là những câu hỏi gợi ý thảo luận để hành trình của bạn với sách Đúng Việc trở nên sâu sắc và mang tính chiêm nghiệm hơn. Nhưng chúng ta đều hiểu rằng, những gì ta hành động sau khi gấp sách lại còn quan trọng hơn rất nhiều việc đọc nó. Mến chúc bạn có những đúc kết cho riêng mình, dấn bước trong hành trình “Tự lực khai hóa” này và đạt được những thành tựu mong muốn trong cả công việc lẫn cuộc sống.
 
LÀM NGƯỜI

Thế nào là con người? Làm người là… làm gì?

Nếu theo Plato – một triết gia vĩ đại thời cổ đại cách đây hơn hai ngàn năm thì “Con người là một sinh vật luôn đi tìm ý nghĩa (của cuộc sống, của mọi thứ…)”; hoặc theo Aristotle – một triết gia vĩ đại khác cùng thời thì “Con người là một con vật có mục đích sống. Cuộc đời của anh ta chỉ có ý nghĩa khi luôn hướng tới và nỗ lực cho mục đích sống của mình”. Vậy tại sao đến tận bây giờ câu hỏi “Thế nào là con người?” vẫn còn xa lạ đối với nhiều người? Và nhân loại sẽ còn mơ hồ về điều này trong bao lâu nữa? Liệu cứ tiếp tục chất vấn “Thế nào là con người?” có phải là biểu hiện đầu tiên của tính người?
Nếu lương tri và phẩm chất của mình, hay nói cách khác là “con người bên trong” là trên hết, vậy làm thế nào để có “con người bên trong”, hoặc nhận ra lương tri và phẩm chất của mình? Hay nói cách nào, lương tri và phẩm chất là thứ mình tạo nên, hay sẵn có để nhận ra?

Con người tự do/ tự trị

Được người khác công nhận, coi trọng khi làm một việc tốt có phải là thứ hạnh phúc lớn lao nhất của con người?
Có những người đang sống hạnh phúc, nhưng theo bạn không ủng hộ cách sống ấy vì trái với lương tri và phẩm giá. Vậy phải chăng ngay khi sống trái với lương tri và phẩm giá thì con người vẫn có thể hạnh phúc?
Con người tự do/ tự trị có nhất thiết tách biệt khỏi sự quản trị của người khác?
Đâu là ranh giới của tự do? Những hành vi nào trong cuộc sống vừa là thể hiện tự do, vừa không vi phạm ranh giới của tự do?
Đã bao giờ bạn thỏa hiệp với con người bên trong (đánh mất chân ga) vì một số lợi lộc hoặc mục tiêu cuộc sống?

Để làm được “người”, cần có những năng lực nào?

Năng lực khai phóng và năng lực khai tâm cần được rèn luyện như thế nào?
Ngộ nhận về bản thân mình là gì? Đâu là chỉ dấu của một người đang ngộ nhận về bản thân mình? Cân làm gì để chia sẻ và giúp đỡ họ?
Có năng lực khai phóng có giúp không còn ngộ nhận về sự hiểu biết?
Đâu là dấu hiệu nhận biết một người có “con người bên trong”?
Einstein từng nói: “Có hai thứ được coi là vô tận: Vũ trụ và sự ngu dốt của con người”. Và ông nói thêm: “Về phần vũ trụ thì tôi không chắc lắm”. Điều đó có nghĩa là theo Einstein, sự ngu dốt của con người là điều bất tận. Vậy có nghĩa là con người không thể trở nên tài giỏi, hay câu nói ấy còn có ngụ ý gì?
“Một con chim én thì không làm nên mùa xuân, nhưng lại có thể báo hiệu mùa xuân đến”. Ấy nhưng, “mùa xuân” khi nào mới thực sự đến? Và con chim én ấy nỗ lực bao lâu thì mùa xuân mới đến? Chim én là ai? Mùa xuân là gì?

Mô hình “Ta là sản phẩm của chính mình”

Trong 05 thành tố của mô hình, đâu thành tố quan trọng nhất? Đâu là thành tố dễ thực hiện nhất? Đâu là thành tố khó thực hiện nhất?

Câu chuyện rời hang

Làm sao biết mình đã rời hang?
Dấu hiện nào để nhận ra “cái hang” của bản thân để rời? Nhận ra rồi thì cần làm gì để rời hang?
 
LÀM DÂN

“Làm dân” tức là gì làm gì để thể hiện quyền và trách nhiệm làm chủ đất nước của mình?
Khi xã hội có vấn đề, người ta thường nhận định là do “lỗi hệ thống”. Hệ thống ở đây được hiểu là gì? Con người trong xã hội ấy là sản phẩm của hệ thống, hay hệ thống là sản phẩm của con người?
Những biểu hiện của một xã hội “Vua chủ”, “dân chủ”, và “nhóm chủ” là gì?
Bạn là dân. Người khác cũng là dân. Vậy “dân chủ” ở đây cần hiểu theo nghĩa nào? Có câu nói “Cha chung không ai khóc”, có đúng trong trường hợp “dân chủ”?
Đối với một xã hội dân chủ, các tổ chức dân sự có vai trò như thế nào?
Một người khi sinh ra trong một đất nước thì có những quyền và nghĩa vụ gì?
 “Tự do tôn giáo”, “Tư do ngôn luận”, “Tự do đi lại”,… là những quyền mặc định, hiến định, hay luật định? Cho một ví dụ về mỗi loại quyền? Vai trò của nhà nước đối với các loại quyền này là như thế nào?
Một “nhà nước pháp quyền” là một nhà nước thế nào?
Vào đầu thế kỷ 20, xã hội lúc ấy có phong trào Duy tân do Phan Châu Trinh khởi xướng để giương cao ngôn cờ “Tự lực khai hóa” và “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” có sức ảnh hưởng mạnh. Đã một thế kỷ trôi qua, tinh thần này có còn phù hợp không? Trong xã hội hiện nay, có phong trào nào thể hiện tinh thần tương tự không?
Để dân sinh hạnh phúc, cần có dân quyền tự do. Để có dân quyền tự do, cần có dân trí khai phóng. Vậy để có dân trí khai phóng, cần có gì?
Có trường hợp nào mà dân trí đã khai phóng, nhưng vẫn chưa có dân quyền tự do và dân sinh hạnh phúc không?
Trong thực tế, cấu phần làm dân rất tương ứng với mục đích của môn học “Giáo dục công dân”. Vậy tại sao môn học này chỉ là môn phụ trong nhà trường, và học sinh vẫn tỏ ra nhàm chán với nó?

LÀM VIỆC

“Làm việc” cũng là “làm người”

Nếu nói công việc chính là cuộc sống, vậy tại sao có tình trạng nhiều người trong công việc rất hăng hái, nhiệt tình với đồng nghiệp; còn khi quay về nhà thì lại thờ ơ với gia đình, bạn bè?
Một người chọn được “đạo nghề” sẽ làm việc khác với một người không có “đạo nghề” ở điểm nào?
Ai cũng muốn những điều tốt đẹp trong công việc và cuộc sống. Thế nhưng vì sao có rất ít người hiện nay thể hiện được tinh thần sống “sáng sáng háo hức đi làm, tối tối hăm hở về nhà”?
Có những người không có lý tưởng nghề nghiệp, nhưng họ vẫn thành công và sống hạnh phúc. Chúng ta có thể giải thích điều này như thế nào?

Quản trị hay cai trị?

Trong quản trị, cai trị có được xem là một phong cách hay phương pháp quản trị không?
Có những người không thể sử dụng quản trị với họ, mà phải bằng cai trị thì họ mới làm tốt công việc. Như vậy, cai trị không phải luôn xấu mà tùy vào trường hợp mà áp dụng cách thức phù hợp. Nhận xét như vậy có đúng không?
Công việc của lãnh đạo là hoạch định chiến lượckiến tạo đội ngũ để hiện thực hóa chiến lược đó. Như vậy một người làm đúng hai việc đó có đảm bảo họ trở thành một nhà lãnh đạo không?
Trong thực tế, nhiều nhà lãnh đạo tâm sự rằng họ cảm thấy cô đơn vì những điều họ nghĩ, những việc họ làm ít ai hiểu, mà có hiểu thì cũng ít người chung tay làm cùng. Bạn nghĩ sao về tâm sự ấy? Lãnh đạo có phải luôn sống trong cô đơn?

Đầy tớ hay phụ mẫu?

Một thực tế không thể phủ nhận ở xã hội hiện nay là tình trạng các cơ quan hành chính lại được xem nơi “hành là chính”. Nhưng khi bước vào những đơn vị ấy, câu biểu ngữ thường treo công khai chính diện rằng “Cán bộ là đầy tớ trung thành của nhân dân”. Có thể lý giải hiện tượng này thế nào? Và chữ “đầy tớ” ở ngữ cảnh liệu có phù hợp không?
Có nhận định rằng xem hành chính là dịch vụ, người dân là khách hàng. Cũng có nhận định rằng khách hàng là thượng đế. Có nên hiểu theo nghĩa ấy không?

Doanh nhân, trọc phú hay con buôn

Xã hội ta chỉ mới bắt đầu xem trọng nghề kinh doanh gần đây, trong khi Việt Nam có chiều dài lịch sử đáng nể vài ngàn năm. Vậy phải chăng trước đây chúng ta không có nghề kinh doanh? Hay những người làm kinh doanh chỉ là những kẻ trục lợi khiến xã hội coi thường? Lịch sử dân tộc ta có những doanh nhân nào đáng trọng không? Vì sao họ lại được trọng?
Hiện nay có rất nhiều chương trình/ khóa học dạy cách kiếm tiền, làm giàu. Có thể xem đó là những chương trình học để trở thành doanh nhân?
Để Việt Nam có một nền kinh thương vững mạnh, có cần phải có đạo kinh doanh riêng cho người Việt không?

Trí thức hay trí nô?

Việt Nam có rất nhiều người có bằng cấp cao (thạc sĩ trở lên). Có thể xem họ là trí thức? “Anh/Cô ấy có học lắm!”, nhận xét đó có được xem là dành cho người trí thức? Ngoài ra, có những người có hiểu biết uyên thâm nhưng lại rất ít quan tâm đến những vấn đề của xã hội, có thể xem họ là trí thức?
Trí thức luôn được xem là tầng lớp tinh hoa có thể dẫn dắt xã hội. Nhưng làm cách nào để đảm bảo rằng họ luôn đúng để làm công việc ấy? Trong lịch sử cũng chứng minh nhiều vị được xem là trí thức nhưng lại dẫn dắt dân tộc đi đến bờ vực thẳm. Vậy làm sao để nhận diện được trí thức thật với trí thức giả? Và công việc nhận diện này đỏi hỏi gì ở người nhận diện?

Sử gia hay sử nô?

Lịch sử là sự thật của quá khứ. Nhưng làm sao biết “điều thật” ấy có thật không khi người viết sử cũng bị giới hạn bởi hiểu biết, thiên kiến của mình?
Tình trạng học sinh ngày nay quay lưng lại với môn Lịch Sử, thể hiện ở tỷ lệ đăng ký chọn thi môn Sử trong kỳ thi tốt nghiệp lớp 12 thường là thấp nhất. Lý giải hiện tượng này thế nào?

Nhà báo hay bồi bút? Nhà văn hay văn nô?

Hành trình đi tìm sự thật, lật tẩy điều giả dối luôn nguy hiểm đối với những người làm nghề báo. Có nên chăng cần một cơ quan làm chức năng bảo vệ nhà báo để họ an tâm tác nghiệp? Chức năng của Hội Nhà Báo Việt Nam hiện nay có làm tốt vai trò ấy?
Vì sao giới trẻ bây giờ lại thờ ơ với các tác phẩm văn học kinh điển, mà tìm đến những tác phẩm ngôn tình được thống kê luôn nằm trong mục sách bán chạy nhất?
Xã hội cần làm gì để trân trọng hơn những người làm nghề báo, nghề viết văn? Ngược lại, những người làm nghề này phải như thế nào để xứng đáng hơn với kỳ vọng của xã hội?

Ca sĩ hay thợ hát; Diễn viên hay thợ diễn?

Tình trạng “đi xem ca nhạc” phổ biến hơn là “đi nghe ca nhạc”. Lý giải hiện tượng này như thế nào?
Người ca sĩ từng một thời không được xem trọng, bị mang danh là “kiếp cầm ca”, nhưng nay lại trở thành một công việc rất “hot” của nhiều bạn trẻ. Sự chuyển biến mình này nói lên điều gì?
Có những buổi biểu diễn nghệ thuật được đầu tư kỹ lưỡng lại rất ít người tham dự. Ngược lại, những show ca nhạc thì ồ ạt người đến. Tùy vào tên tuổi, nội dung và hình thức sẽ quyết định lượng khán giả. Nhưng những nghệ sĩ đích thực thường là những người ít ồn ào, không phô trương, do đó cũng rất ít người biết đến họ. Bạn nghĩ sao về điều này?
Tại sao phải là một nghệ sĩ lớn nếu xã hội không biết đến họ, không công nhận họ, và quan trọng là đời sống vật chất của họ không tương xứng với những cống hiến mà họ mang lại?
Trình độ nhận thức thẩm mỹ của công chúng đóng vai trò thế nào trong việc định danh lại tính đúng việc của người làm nghề ca sỹ, diễn viên? Môn Vẽ, môn Nhạc trong giáo dục học đường có vai trò thế nào trong việc giáo dục trình độ nhận thức thẩm mỹ của học sinh?

Một số nghề khác

Những người làm nghề bác sỹ có lời thề Hypocrates, những người làm nghề Công an có lời thề của Hiệp hội Cảnh sát Quốc tế. Có nên chăng ở mỗi nghề, cần một lời thề như thế?
 
LÀM GIÁO DỤC

Làm giáo dục là làm gì? Nghề này dành cho một đối tượng cụ thể, hay dành cho tất cả mọi người?
Sản phẩm đầu ra của giáo dục là gì? Giáo dục nước nhà có đang thành công không?

Nhà trường

Trách nhiệm/ Quyền và nghĩa vụ của nhà trường trong bức tranh giáo dục là gì?
Nhìn chung, hệ thống trường học của Việt Nam đã làm đúng trách nhiệm, thể hiện đúng quyền và làm tròn nghĩa vụ của mình chưa?

Nhà giáo

Thế nào là dạy học?
Trách nhiệm/ Quyền và nghĩa vụ của nhà giáo trong bức tranh giáo dục là gì?
Việt Nam là nước có truyền thống tôn sự trọng đạo. Sự thể hiện của người làm nghề giáo hiện nay có tương xứng với tinh thần này không?

“Nhà mẹ”/ Gia đình

“Người thầy đầu tiên và suốt đời của em là cha mẹ”, nhận định này đúng không?
Với áp lực và bận rộn từ cuộc sống, cộng với sự thiếu chuyên môn nên gần như cha mẹ khoán con cho nhà trường. Có lối thoát nào trong trường hợp này?
Cho con học trường tốt, trường xịn có đảm bảo con có một nền giáo dục tốt?
Cha mẹ cần trang bị những năng lực gì để làm tròn vai trò giáo dục của mình đối với con cái?
Vai trò của gia đạo trong việc giáo dục con cái? Nhận xét về tình trạng “gia đạo” ở các gia đình hiện nay?

Người học

Học cùng thầy, cùng trường, làm cùng bài tập, thi cùng đề,… nhưng kết quả đầu ra vẫn khác nhau. Như vậy vai trò của người học có phải là vai trò trung tâm, mang yếu tố quyết định không?
Có những học sinh ở trong trường A thì học rất tệ, quậy phá. Nhưng khi được chuyển sang trường B thì lại trở thành một học sinh tốt, năng động. Như vậy, trường học hình thành nên người học, hay ngược lại?

Nhà nước

Nhà nước có nên nắm giữ vai trò chủ đạo đối với nền giáo dục? Nhà nước nên làm gì, phải làm gì, và không được làm gì để có một nền giáo dục mạnh?
Vai trò của tổ chức dân sự đối với hoạt động giáo dục nên như thế nào? Nhà nước nên làm gì với các hoạt động ấy?

 

© Bản quyền thuộc về dungviec.org